Trở lại chùa Bồ Đề 1 năm sau vụ mua bán trẻ em
Thế giới Đồ chơi người lớn

Thế giới Đồ chơi người lớn

Trở lại chùa Bồ Đề 1 năm sau vụ mua bán trẻ em

22-07-2015 00:36    
Trở lại chùa Bồ Đề 1 năm sau vụ mua bán trẻ em Chùa Bồ Đề đang nuôi khoảng 35 em nhỏ và 9 người già neo đơn nhưng đã vắng đi những nhà hảo tâm lui tới.

 Chiều một ngày tháng 7 đầy nắng, chùa Bồ Đề tĩnh lặng, nghe rõ cả tiếng lá rơi. Ngôi chùa đẹp nằm bên bờ sông Hồng vốn lúc nào cũng đông Phật tử tới, gần 1 năm nay đột nhiên thưa vắng.

Câu 'vắng như chùa Bà Đanh', giờ có thể thay bằng 'vắng như chùa Bồ Đề'. Hầu như ai cũng hiểu sự vắng ấy có hệ lụy từ vụ án buôn bán trẻ con ở chùa Bồ Đề do 2 nghi can Phạm Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Thanh Trang thực hiện. 

Cơn bão truyền thông về vụ án gây chấn động dư luận bùng lên từ tháng 7 năm ngoái khiến ngôi chùa phải hứng chịu đủ cả hỷ nộ ái ố của người đời… Một năm sau tôi trở lại Bồ Đề gặp sư trụ trì Đàm Lan.

'Sự việc như cơn bão'

Trở lại chùa Bồ Đề một năm sau 'bão'

Sư Đàm Lan và những đứa bé mồ côi ở chùa Bồ Đề

Trong thanh vắng mới thấy ngôi chùa càng rộng, tòa ngang dãy dọc mới được xây cất, diện tích mở ra cả khu đất bên cạnh. Nhưng  rộng mà vắng, không như trước đây chật mà đông. Mấy bà vãi ngồi bên những cuốn sách viết về tâm linh và những tờ đoán vận mạng qua con giáp, chắc đã có từ Tết.

Một lúc sau sư Đàm Lan về. Tấm áo nâu của bà đang mặc đẫm mồ hôi vì trời nắng nóng. Gương mặt bà đầy vẻ ưu tư và trở nên khó tả khi biết tôi là nhà báo. Những thông tin truyền thông đã ám ảnh sư Đàm Lan gần 1 năm nay. 

Trong những ngày buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề trở thành cơn bão truyền thông thì sư thầy Thích Đàm Lan luôn ở trong tâm bão.

Từ một nhà tu hành được biết tới với tấm lòng từ bi, chùa Bồ Đề thành chốn nương thân của nhiều mảnh đời bất hạnh, trong đó có nhiều người già và trẻ em bị bỏ rơi, bỗng nhiên, cơn bão ấy đã cuốn đi tất cả.

Nắng dịu hẳn khi tôi được mời vào gian tiếp khách của chùa nhưng sư thầy Đàm Lan vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc trò chuyện. Tôi nói với sư thầy cách đây hơn 10 năm, tôi đã đến chùa Bồ Đề viết về những mảnh đời bất hạnh được cưu mang ở đây. 

Và mới đây, khi hay tin có nghi án buôn bán trẻ con ở chùa này, tôi cũng nhập cuộc điều tra viết bài… 

Những nghi ngại ban đầu rồi cũng dần tan, sư thầy Đàm Lan trò chuyện với tôi, giọng đượm buồn: 'Người ta bỏ rơi rất nhiều cháu bé ở cổng chùa Bồ Đề. Thương các cháu đau khổ bơ vơ, nhà chùa cưu mang, nuôi nấng. Bao nhiêu công lao vất vả lo lắng cho các cháu. Chỉ cần một chút sai, tai họa đổ lên đầu'.

Sư Đàm Lan nói tiếp: 'Nhưng cuộc đời là vậy. Tôi nghĩ, ừ, cuộc đời có nhân có quả, tôi làm vì cái tâm nên không phải vì thế mà mình sân hận, buồn chán. Tôi biết cái tốt mà chưa hiểu pháp luật, chưa cẩn trọng thì vẫn có đất cho cái ác. Những người mình cưu mang cho ở trong chùa, họ làm sai thì mình phải chịu thôi'.

Một ông già từ nơi xa đến chào sư Đàm Lan và biếu nhà chùa mấy cây vối để trồng. Ông là vị khách hiếm hoi đến chùa Bồ Đề kể từ khi xảy ra vụ án.

Những thay đổi diễn ra quá mau lẹ, khiến sư Đàm Lan phải thảng thốt: 'Tết vừa rồi, lần đầu tiên không có người nào đến gọi là có tí quà cho các cháu mồ côi. Không có một ai. Không có gì. Một cái giò cho các em cũng không có ai cho'.

Cũng theo sư Đàm Lan, nhiều người cứ nghĩ ở chùa Bồ Đề bây giờ không nuôi trẻ em nữa, nhưng hiện nay nhà chùa đang nuôi dưỡng 35 em nhỏ và cả các cụ già không nơi nương tựa.

'Sự việc xảy ra như một cơn gió đạp tan tành ngôi nhà đang đẹp, khiến các em ngơ ngơ ngác ngác. Nhưng trong vất vả mới trải hết nỗi đau. Phật dạy có đau khổ mới biết thương người', sư Đàm Lan nói.

35 đứa trẻ mồ côi và vòng quay cơm áo

Trở lại chùa Bồ Đề một năm sau 'bão'

Nhà sư Đàm Lan bật khóc

Tưởng như đã vô nhiễm với những hỷ nộ ái ố ở đời nhưng nay sư Đàm Lan bỗng đối diện với những nỗi lo cơm áo gạo tiền.  

Giọng chậm rãi, sư Đàm Lan liệt kê cho tôi những nỗi lo toan thường nhật: 'Chùa mới xây xong, tiền bạc chả có. Cái gì cũng hết, sữa hết, bỉm hết.

Có những hôm trời rét, 10h đêm các cô bảo mẫu gọi điện bảo: 'Thầy ơi, hết bỉm rồi'. Tôi vội vào mạng tra tìm chỗ bán bỉm. Tìm được rồi, năn nỉ mãi hai vợ chồng bán bỉm ở tận Mỹ Đình người ta mới chở sang cho 2,8 triệu tiền bỉm'.

'Bây giờ ngay cả quần áo cũ cũng chẳng ai cho. Nhưng phải cố gắng, cuộc đời vô thường, tự nhiên đang có thành không, bị ngã vấp thì đứng dậy mà đi. Dù khó khăn vẫn phải làm tốt hơn', sư Đàm Lan nói.

Nắng đầu chiều bỏng rát chiếu vào khu nhà trẻ của 35 đứa bé. Khu này ở sát chùa, trước đây thuộc khuôn viên của một công ty khác nhưng nhà chùa đã đền bù để sử dụng làm nhà trẻ và nơi ở của cô giáo cùng các cụ già không nơi nương tựa. 

Những đứa trẻ bị bỏ rơi ấy cứ lớn dần lên kéo theo vòng quay cơm áo gạo tiền ngày càng nghiệt ngã với sư trụ trì chùa Bồ Đề.

Sư Đàm Lan chép miệng: 'Chú bảo nhà có 2 đứa con nuôi cũng đã mệt, đây là 35 cháu, 9 cụ già. Cứ đến tháng phải đóng tiền học cho các cháu là tôi lo lắm. Có lúc túng quá, tôi phải xin anh chị đi tu ở Hải Phòng. Các thầy cũng thương động viên, rồi khuyên hay là buông?'.

'Nhưng tôi nghĩ cả cuộc đời tôi làm việc thiện rồi, gắn bó chăm các cháu quen rồi, không có các em nghĩ cuộc đời này vô nghĩa.

Không thể đóng cửa ngồi yên mà tụng kinh được như nhiều người khuyên. Với tôi cái đó dễ làm lắm. Mình đóng cửa ngồi im giống như người yếm thế, đi tu không phải như thế', sư Đàm Lan khẳng định.

'Sư có lên trung tâm bảo trợ xã hội ở Ba Vì thăm các cháu được chuyển lên đó?'.

Sư Đàm Lan bỗng giàn giụa nước mắt. Bà trả lời câu hỏi của tôi trong tiếng nấc nghẹn: 'Tôi không dám lên gặp các cháu vì sẽ khóc không kìm được.

Nhiều người nhắn tin: 'Trước tôi coi bà như Phật sống nhưng bây giờ bà là con ác quỷ', tôi không nói gì. Cuộc đời thật trớ trêu. Tại sao tôi làm việc thiện mà vẫn khổ? Nhưng Nhà nước biết, nhiều người cũng biết. Tôi có làm ác đâu. Tôi sẵn sàng chịu cái nghiệp của tôi'.

Chưa bao giờ tôi thấy một nhà tu hành khóc nấc lên như vậy. Nhưng rồi sư Đàm Lan nín lặng. Vị trụ trì của chùa Bồ Đề chẳng còn thời gian ưu tư nữa vì phải đứng dậy để lo những bỉm, sữa, tiền học… cho 35 đứa trẻ.

Tôi ái ngại nhìn dáng đi có phần già nua của bà trong buổi chiều vắng như… chùa Bồ Đề. Số phận của 35 đứa trẻ và 9 cụ già rồi đây sẽ ra sao trong vòng quay cơm áo, khi mà chùa vẫn vắng?


Hot!

Bình luận của bạn

    Reload